Sở NN-PTNT Thanh Hóa ngày 2.10 tổ chức hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn trong lộ trình xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (H.Thường Xuân,ảotồnthiênnhiênXuânLiênlênhạngthànhvườnquốhuening kai Thanh Hóa) thành Vườn quốc gia Xuân Liên.
Hội thảo là một trong những bước nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề xuất với Bộ NN-PTNT cho phép nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành vườn quốc gia.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, năm 2000, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, có diện tích hơn 24.728 ha, trong đó, hơn 23.800 ha là rừng đặc dụng, hơn 900 ha còn lại là rừng sản xuất.
Trải qua 23 năm thành lập, đến nay đã ghi nhận 1.228 loài thực vật bậc cao, trong đó có 56 loài thực vật quý hiếm, như: chè hoa vàng Trung bộ; chè hoa vàng trái mỏng; sồi Xuân Liên; giác đế bân; mộc hương Xuân Liên; thiên lý Xuân Liên…
Về động vật, đã ghi nhận 1.811 loài hoang dã. Trong đó, đã xác định có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu; 56 loài ở mức đe dọa của Việt Nam…
Các ý kiến, tham luận tại hội thảo đều thống nhất sự cần thiết phải nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành vườn quốc gia, để phát huy mạnh mẽ hơn những lợi thế mà khu bảo tồn đang có được.
Các nhà chuyên môn cũng lưu ý, dù ở hạng nào thì cơ quan quản lý cũng cần tính toán kỹ đến việc tạo môi trường thuận lợi cho người dân vùng đệm của khu bảo tồn phát triển kinh tế, có đời sống ổn định chứ không thể vì việc nâng hạng mà làm cho sinh kế người dân bị hạn chế.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cho biết tiến tới đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định để trình Bộ NN-PTNT xin ý kiến. Nếu được sự đồng ý thì sẽ đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định nâng hạng khu bảo tồn thành vườn quốc gia.
Cũng theo ông Tám, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về hệ sinh thái, loài đặc hữu, loài quý hiếm, và diện tích để trở thành vườn quốc gia.