Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng,ếđốicủathànhĐiệnHảigiờởđâgame không cần mạng Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, đã dùng từ "vế đối" để chỉ thành An Hải nằm ở hữu ngạn sông Hàn trong "câu đối hoàn chỉnh" được hợp bởi thành Điện Hải ở tả ngạn. Thành An Hải vẫn còn những dấu tích khá rõ.
CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học Huế, đã kỳ công tìm hiểu, đối chiếu các tư liệu và đưa ra trích đoạn vị trí các công trình phòng thủ vành đai vịnh Đà Nẵng dựa trên bản đồ triều Tự Đức bị quân Pháp tịch thu tại lỵ sở quân thứ Quảng Nam (ngày 15.9.1859). Từ trích đoạn này, ông Tiến tiếp tục đánh số thứ tự từ 1 đến 17; trong đó vị trí thành An Hải được đánh số 11, nằm gần như đối xứng với thành Điện Hải ở tả ngạn sông Hàn.
Theo nhà nghiên cứu này, thành An Hải nằm gần sát biển, phía hạ lưu hữu ngạn sông Hàn, được đắp bằng đất từ năm 1813, gọi là bảo An Hải; đến năm 1830 chuyển sang xây bằng gạch, đổi gọi là đài An Hải; năm 1834, được nâng cấp gọi là thành An Hải. Thành An Hải cao 1 trượng 2 thước, chung quanh có hào sâu 1 trượng, chu vi 41 trượng 2 thước, mở 2 cửa, có 1 kỳ đài và 22 ụ pháo đài. Thành An Hải cùng với thành Điện Hải hợp thành hai công trình quân sự quan trọng hàng đầu trong hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng.
Ông Bùi Văn Tiếng phân tích, tên thành Điện Hải không gợi liên tưởng gì về địa danh nơi cổ thành này tọa lạc, nhưng tên thành An Hải thì có thể gợi liên tưởng về làng An Hải (quê Thoại Ngọc Hầu). Như vậy, thành An Hải trước hết nằm trên địa phận làng An Hải (theo địa giới hành chính năm Quý Dậu 1814 niên hiệu Gia Long thứ 12). Thứ hai, thành An Hải có một chức năng mà thành Điện Hải không có là trực tiếp quan sát tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Nẵng, bao gồm: thống kê số lượng tàu ra vào, phân loại quốc tịch từng tàu và thể hiện bằng màu cờ trên cột cờ của thành.
"Mà muốn thế, thành An Hải phải nằm gần phía vịnh Đà Nẵng đầu biển cuối sông, ít nhất phải cùng vĩ độ với thành Điện Hải. Trong Bản đồ hệ thống phòng thủ Đà Nẵng thời nhà Nguyễn do nhà nghiên cứu Võ Văn Dật cung cấp, thành An Hải được xác định hơi lệch về phía vịnh Đà Nẵng so với thành Điện Hải. Xác định như vậy là đúng hướng", ông Tiếng nhận định.
XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ TƯƠNG ĐỐI
Theo ông Bùi Văn Tiếng, các nghiên cứu cho rằng, 4 năm sau ngày liên quân Pháp - Tây Ban Nha triệt thoái khỏi Đà Nẵng (1860), thành An Hải đổi thành đồn An Hải để giảm bớt gánh nặng về quân số, trang bị và vẫn tiếp tục được triều Nguyễn xem là một vị trí phòng thủ quan trọng trong hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng. Vậy đồn An Hải mất dấu từ bao giờ? Đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp.
Căn cứ vào bản đồ, các tài liệu liên quan cũng như gợi mở của các nhà nghiên cứu, chúng tôi đã có cuộc khảo sát và thử lần tìm dấu tích thành An Hải ở đâu sau những khuất lấp của quãng thời gian suốt 200 năm qua. Tại TP.Đà Nẵng, hữu ngạn sông Hàn nằm phía sát cửa biển hiện vẫn tồn tại địa danh An Hải gắn liền với 3 tên phường, gồm: An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây. Trong đó, căn cứ theo bản đồ đánh số 11 của thành An Hải, vị trí thành cổ này nhiều khả năng nằm ở khu vực thuộc làng An Đồn (có mặt tiền nhìn ra sông Hàn trên đường Trần Hưng Đạo, gần cầu sông Hàn).
Quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã tìm đến đền thờ Bà Thân hạ xứ linh thiêng của cư dân làng biển An Đồn và chứng kiến ngay trong khuôn viên đền thờ có đặt một tủ kính nhỏ chứa nhiều viên gạch vồ cỡ lớn cùng 2 đồng xu cổ. Theo các tư liệu, năm 1830, An Hải vẫn được gọi là đài chứ chưa được nâng cấp lên thành và được xây bằng gạch. Nhiều cư dân địa phương cho biết, nhiều năm trước, trong quá trình làm nhà, một số hộ dân phát hiện gạch cổ nên đã mang đến đền thờ để trưng bày. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho rằng khu vực làng chài có đền thờ Bà Thân hạ xứ nằm trong khu vực được cho là gần vị trí của thành An Hải.
Ông Bùi Văn Tiếng cho biết ông đã hiến kế nên tổ chức cho học sinh THPT, sinh viên khoa lịch sử tham gia hoạt động "tìm địa chỉ đỏ thất truyền" nhằm tìm kiếm trên hồ sơ lưu trữ và khảo sát thực địa để xác định vị trí cụ thể của các căn cứ phòng thủ cùng thời với thành Điện Hải mà đến nay không còn dấu tích, chẳng hạn như thành An Hải trên địa bàn Q.Sơn Trà, xem đây là cơ sở để cơ quan quản lý di tích của thành phố tiến hành dựng bia tưởng niệm.
Ông Tiếng cho rằng, dù xác định được hay không được một cách cụ thể chính xác vị trí thành An Hải, hậu thế vẫn có thể có cách ứng xử xứng đáng với tiền nhân bằng cách dựa vào 2 nguyên tắc nêu trên cùng với bản đồ do nhà nghiên cứu Võ Văn Dật cung cấp để xác định một vị trí tương đối và phù hợp về quảng bá nhằm dựng một tấm bia tưởng niệm về thành An Hải. (còn tiếp)
Hệ thống phòng thủ 17 công trình ở vịnh Đà Nẵng
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, vành đai phòng thủ ở vịnh Đà Nẵng dưới thời Nguyễn là một hệ thống liên hoàn gồm 17 công trình được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau, trải từ triều vua Gia Long đầu thế kỷ 19 đến năm 1857, đầu triều vua Tự Đức. Điểm đầu là Phong Hỏa đài (đài đốt lửa) ở phía đông vịnh, điểm cuối là pháo đài Định Hải ở phía tây vịnh (được đánh số từ 1 - 17 trên tấm bản đồ đầu triều vua Tự Đức).