Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở Thụy Điển chiều 2.10 công bố giải Nobel Y sinh năm nay thuộc về 2 nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman,êncứugiúppháttriểnvắbánh bông lan nhờ "sự góp phần cho việc phát triển vắc xin chưa từng thấy" nhằm đối phó đại dịch Covid-19. "Giải Nobel năm nay ghi nhận phát hiện khoa học cơ bản của họ giúp thay đổi căn bản sự hiểu biết của chúng ta về cách ARN thông tin (mRNA) tương tác với hệ miễn dịch, tác động lớn đến xã hội trong đại dịch vừa qua", theo ông Rickard Sandberg, thành viên Hội đồng Nobel.
Chuyên gia hóa sinh Kariko (68 tuổi, quốc tịch Hungary và Mỹ) từng là Phó chủ tịch cấp cao của Hãng BioNTech RNA Pharmaceuticals của Đức đến năm 2022, trước khi trở thành cố vấn của hãng. Bà còn là giáo sư tại Đại học Szeged ở Hungary. Ông Weissman (64 tuổi, quốc tịch Mỹ) là giáo sư tại Trường Y Perelman tại Đại học Pennsylvania ở Mỹ.
Nghiên cứu đột phá
Hai nhà khoa học đoạt giải nhờ những phát hiện liên quan việc điều chỉnh nucleoside cơ sở, giúp phát triển các vắc xin ARN thông tin vốn đã thể hiện hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19. Nucleoside thành phần của a xít nucleic trong ARN. Nói một cách đơn giản, phát hiện đột phá của họ thay đổi cách hiểu trước đây về cơ chế ARN thông tin tương tác với hệ miễn dịch.
Trong tế bào, thông tin di truyền mã hóa trong ADN được chuyển đến ARN thông tin, dùng làm nền tảng trong sản xuất protein. Trong thập niên 1980, giới khoa học đã đưa ra các biện pháp sản xuất ARN thông tin mà không cần nuôi cấy tế bào. Ý tưởng dùng công nghệ ARN thông tin để sản xuất vắc xin và điều trị đã được nghiên cứu, nhưng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, bà Kariko không chùn bước và khi giảng dạy tại Đại học Pennsylvania vào thập niên 1990, bà tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng này và được sự phối hợp của ông Weissman.
Trong các nghiên cứu sâu hơn vào năm 2008 và 2010, hai nhà khoa học cho thấy ARN thông tin được thay đổi cơ sở sẽ giúp gia tăng sản xuất protein hơn so với ARN thông tin gốc. Thông qua những khám phá về việc sửa đổi cơ sở vừa làm giảm phản ứng viêm vừa tăng sản xuất protein, họ đã loại bỏ những trở ngại lớn trên con đường ứng dụng lâm sàng của ARN thông tin.
Nhiều tiềm năng
Công nghệ ARN thông tin bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý và vào năm 2010, một số công ty bắt đầu vào cuộc. Các vắc xin ngừa vi rút Zika và MERS-CoV được nghiên cứu. Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 2 loại vắc xin ARN thông tin mã hóa protein bề mặt SARS-CoV-2 đã được phát triển với tốc độ kỷ lục. Tác dụng bảo vệ đã được ghi nhận là khoảng 95% và cả 2 đều đã được phê duyệt vào tháng 12.2020.
Tính linh hoạt và tốc độ ấn tượng mà vắc xin mRNA được phát triển đã mở đường cho việc sử dụng nền tảng mới trong việc bào chế các vắc xin chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Theo giới chuyên môn, trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cung cấp các protein trị liệu và điều trị một số loại ung thư, sử dụng mẫu protein trong khối u để tạo ARN thông tin riêng. Ngoài ra, giới khoa học đang nghiên cứu phát triển vắc xin công nghệ ARN thông tin để ngừa các bệnh khác như cúm mùa, bệnh dại và những bệnh kháng vắc xin cho đến nay như sốt rét và AIDS.
Kế hoạch trao giải
Theo Reuters, Quốc vương Thụy Điển Carl XVI Gustaf sẽ trao giải Nobel Y sinh 2023 tại Stockholm vào ngày 10.12 và tổ chức tiệc chiêu đãi. Những người đoạt giải Nobel sẽ nhận giấy chứng nhận, huy chương giải Nobel và tiền thưởng, với số tiền thưởng cho mỗi giải Nobel năm nay là 11 triệu krona Thụy Điển (24,5 tỉ đồng). Kể từ năm 1901, đã có 113 giải Nobel Y sinh được trao, trong đó có 13 người đoạt giải là nữ. Chủ nhân giải Nobel Y sinh trẻ nhất là nhà khoa học Canada Frederick G. Banting, nhận giải vào năm 1923 khi ông 32 tuổi, nhờ khám phá ra insulin. Người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel thể loại này là nhà khoa học Mỹ Peyton Rous, ông được trao giải vào năm 1966 ở tuổi 87, nhờ phát hiện ra vi rút gây ung thư.