Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng,ỉphúChuLậpCơnghevợchỉđạogâythiệthạitỉđồngcủbàn bệt kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ, đề nghị viện KSND cùng cấp truy tố 86 bị can ở 7 nhóm tội danh.
Trong vụ án, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ với cáo buộc tham ô hơn 304.000 tỉ đồng của SCB; lập khống các hồ sơ, rút tiền của ngân hàng ra chi tiêu gây thiệt hại 498.000 tỉ đồng. Nữ doanh nhân này còn hối lộ 5,2 triệu USD cho một cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước để được bao che vi phạm.
Chồng bà Lan là ông Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, quốc tịch Hồng Kông), Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Tỉ phú Chu Lập Cơ nghe vợ chỉ đạo, gây thiệt hại 39.000 tỉ đồng của SCB
Ông Chu Lập Cơ sinh năm 1956, quê gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc), thường trú tại Hồng Kông và được chính quyền đặc khu cấp hộ chiếu. Vị này được cho là tỉ phú, sở hữu nhiều bất động sản, từ Việt Nam đến Hồng Kông.
Theo kết luận điều tra, ông Cơ là người sáng lập và nắm 99,26% cổ phần của Công ty CP Times Square Việt Nam (tên cũ là Công ty CP đầu tư Quảng trường Thời đại Việt Nam), cùng với vợ điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án tòa nhà Times Square với chức năng là khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và các công trình dịch vụ tại khu đất 22 - 36 Nguyễn Huệ và 57 - 69F Đồng Khởi (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM).
Tại công trình này, ông Cơ cho vợ và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn của SCB để thực hiện.
Từ năm 2009 - 2012, ông Cơ thống nhất với bà Lan dùng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định để có tiền đầu tư và dùng cho mục đích của bà Lan.
Với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square, ông Cơ đã ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông và nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do vợ chỉ đạo tại SCB.
Năm 2017, do các khoản nợ đến hạn, ông Cơ tiếp tục ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông của công ty mình để đảm bảo đối với khoản nợ 35.541 tỉ đồng theo danh sách khách hàng khống của SCB.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Cơ khai việc ký các thủ tục bảo lãnh khoản vay kể trên là làm theo chỉ đạo của vợ mà không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn. Ông Cơ nhận thức việc ký các biên bản, nghị quyết của Công ty CP đầu tư Times Square là thủ tục bắt buộc, phải ký mới đủ điều kiện pháp lý để vay vốn tại SCB và dự án tòa nhà Times Square cũng được hình thành từ nguồn vốn vay của SCB, các khoản tiền trả nợ cũng lấy của nhà băng này.
Xem nhanh 20h ngày 19.11: Vai trò tỉ phú Chu Lập Cơ; Chiêu lập công ty ‘ma’ trong vụ Vạn Thịnh Phát
C03 xác định, hành vi ký khống các thủ tục của ông Cơ đã gây thiệt hại 39.217 tỉ đồng, gồm cả tiền gốc và lãi vay của SCB.
Trong vụ án, C03 cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã biến SCB thành công cụ tài chính cho "hệ sinh thái" của mình. Toàn bộ hoạt động của nhà băng này bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay, sau đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, lên đến hơn 304.000 tỉ đồng.
Ngoài hành vi trên, vợ chồng Chu Lập Cơ, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố để điều tra về tội "rửa tiền" nhưng việc này được tách hồ sơ, xử lý ở giai đoạn sau vụ án.