Giỏi thì chưa chắc nhưng phải nỗ lực nhiều hơn?óphảiđiduhọclàgiỏbét 169
Du học ở Mỹ gần 5 năm nay, Tôn Nguyễn Hữu Tâm, sinh viên Trường ĐH Wichita State (bang Kansas), chia sẻ: “Lý do mình chọn đi du học là vì mong bản thân được phát triển và năng động hơn. Thật ra học trong nước cũng tốt nhưng mình muốn tự lập và trải nghiệm ở môi trường hoàn toàn mới để biết thêm nhiều điều”.
Trước ý kiến cho rằng tất cả du học sinh đều giỏi khi được học tập ở nước ngoài, Hữu Tâm bày tỏ: “Giỏi thì chưa chắc nhưng du học sinh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn so với sinh viên trong nước. Vì nếu học ở Việt Nam sẽ không gặp những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa hay môi trường sống. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn du học sinh rất giỏi, vì phải có năng lực thật sự mới chinh phục được những học bổng toàn phần”.
Hữu Tâm cho biết thêm muốn đi du học thì ngoài học giỏi ra còn phải có kinh tế. “Mỗi học kỳ mình chỉ nhận được học bổng khoảng 20 - 25%. Số tiền này chỉ hỗ trợ 1 phần nhỏ thôi nên muốn đi du học phải có tiền, sau đó mới đến các yếu tố như: ngành học, thời tiết, tiếng Anh, bằng cấp… Ngay cả khi bạn học giỏi, được nhận học bổng toàn phần nhưng chi phí sinh hoạt vẫn phải tự lo”, Hữu Tâm cho biết.
Còn Trần Đức Khánh, du học sinh của ĐH Simon Fraser (Canada), cho rằng ở đâu cũng có người giỏi, người không. “Mình nhận thấy sinh viên Việt Nam cũng rất giỏi chứ không riêng gì du học sinh. Và tất nhiên không phải du học sinh nào cũng đều giỏi”, Khánh nói.
Khánh chia sẻ thêm: “Du học sinh sẽ được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và thường sẽ phải trải qua những sức ép, thử thách khi ở xứ người. Từ đó có nhiều trải nghiệm hơn sinh viên trong nước chứ không hẳn là giỏi hơn. Bản thân mình cũng thấy rằng thời buổi bây giờ chỉ cần có tiền là đi du học được”.
Cũng từng là du học sinh theo học tại ĐH Cambridge (Anh), Huỳnh Ngọc Minh Thi (24 tuổi), ngụ tại TP.HCM, chia sẻ: “Mình thấy có rất nhiều bạn giỏi nhưng vẫn chọn ở lại Việt Nam học tập. Hoặc một số bạn có điều kiện tốt và muốn trải nghiệm môi trường học tập ở nước ngoài, thì vẫn có thể thử đi. Về bản thân thì do có cơ hội và muốn thử thách, trải nghiệm ở một môi trường mới nên mình đi du học. Cho nên mình thấy ra nước ngoài để học hỏi và trải nghiệm là nhiều chứ không hẳn là phải giỏi mới có thể đi du học được”.
"Không nên đánh giá đơn giản đi du học là giỏi"
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ, nhà giáo dục Giáp Văn Dương, từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore, cho biết: “Ngày xưa, tôi đi du học vì muốn biết thế giới bên ngoài học tập, nghiên cứu, vận hành thế nào. Tôi cũng muốn trải nghiệm một xã hội, nền văn hóa mới. Nhưng đó là khi tôi đã ra trường, làm giảng viên đại học. Ngày nay, có thể các bạn trẻ cũng muốn như vậy, nhưng có lẽ nhẹ nhàng hơn, như: muốn sống, đi chơi, trải nghiệm một nền văn hóa mới. Đặc biệt, muốn được học tập ở một môi trường tốt hơn. Việc học hỏi và khám phá những điều mới mẻ của thế giới bên ngoài, dù dưới bất cứ hình thức nào đều rất chính đáng, cần tôn trọng và khuyến khích”.
Về những điều kiện căn bản để đi du học, tiến sĩ Dương chia sẻ rằng đầu tiên là phải vượt qua kỳ kiểm tra nhập học, có học bổng hoặc tiền để đóng học phí và trang trải sinh hoạt. Trường càng tốt thì đầu vào càng khó, và học phí càng cao. Nước càng phát triển thì chi phí học tập và sinh sống càng đắt đỏ.
“Tuy nhiên, đó là các điều kiện nhìn từ bề ngoài. Còn bề sâu thì nên đi du học khi có một sự khát khao tri thức, hoặc mong muốn trải nghiệm cuộc sống mới. Thậm chí, nhiều người đi du học vì thích kết hợp đi du lịch ở nhiều nơi. Không ai là giống ai. Nhưng nếu biết rõ mình đi du học để làm gì thì vẫn tốt hơn”, tiến sĩ Dương cho hay.
Trả lời cho thắc mắc, có phải đi du học là giỏi? Tiến sĩ Dương phân tích: “Theo tôi, không nên đánh giá đơn giản đi du học là giỏi, hoặc chưa chắc đã giỏi. Thay vào đó, hãy tôn trọng lựa chọn học tập của mỗi người. Nếu muốn và đủ điều kiện thì nên đi du học. Còn nếu không, thì học trong nước cũng tốt. Điều quan trọng là sự trưởng thành trong suốt quá trình học. Mong muốn học tập là điều thiêng liêng và lựa chọn học ở đâu là tự do cá nhân, cần tôn trọng”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Dương cũng lưu ý rằng: “Do khác biệt về văn hóa và điều kiện làm việc, người học giỏi, thậm chí làm giỏi khi ở nước ngoài, chưa chắc khi về nước đã hội nhập được và làm việc tốt. Nếu việc đó xảy ra, thì đó là điều đáng tiếc”.