"Nhu cầu với một số dòng vũ khí gia tăng nhờ kết quả thực chiến,ũkhíNgađượcquantâmhơnnhờchiếnsựalbedo trong đó có tiêm kích Su-35, trực thăng tấn công Ka-52, vũ khí dẫn đường trên không, xe tăng T-90, pháo nhiệt áp TOS-1A, pháo tự hành Msta-S", Vladimir Artyakov, phó giám đốc tập đoàn vũ khí Nga Rostec, ngày 12/11 cho hay.
Artyakov cũng nêu thêm một số vũ khí Nga được quan tâm hơn nhờ chiến sự Ukraine như pháo phản lực phóng loạt Tornado-G, Tornado-S, máy bay không người lái (UAV) KUB-E, hệ thống phòng không, tác chiến điện tử, hệ thống chống UAV và vũ khí cỡ nhỏ.
Rostec là một trong những tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Nga, chịu trách nhiệm sản xuất chiến đấu cơ, pháo, vũ khí chính xác cao, thiết bị liên lạc, tổ hợp tác chiến điện tử và nhiều loại khí tài khác.
Ông Artyakov cho biết khí tài Nga đã chứng minh được độ tin cậy và hiệu quả khi đối đầu với công nghệ hiện đại của phương Tây tại Ukraine. Theo ông, các đối tác của Rostec theo dõi chặt chẽ cách vũ khí Nga được sử dụng trên chiến trường, phân tích kỹ điểm mạnh, yếu của chúng để phản hồi cho nhà sản xuất.
Tuy nhiên, quan chức này không nêu dữ liệu cụ thể cho thấy nhu cầu với các loại vũ khí Nga tăng ở mức độ nào và nước nào là khách hàng tiềm năng.
Báo cáo hồi tháng 3 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 22% trong giai đoạn 2013-2017 xuống còn 16% trong giai đoạn 2018-2022, trong khi Mỹ tăng từ 33% lên 40%.
Ông Artyakov bác bỏ số liệu của SIPRI, cho rằng đây là tổ chức "không thân thiện" với Nga nên không đưa ra thông tin khách quan. Ông cũng cho rằng khó có thể tính toán chính xác thị phần ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh phương Tây đang viện trợ cho Ukraine lượng lớn vũ khí, gây ảnh hưởng tới số liệu xuất khẩu thực tế.
"Giá trị đơn đặt hàng của Rosoboronexport, công ty con của Rostec, vẫn ổn định ở mức 4.000 tỷ ruble (gần 44 tỷ USD). Chúng tôi không ngừng nỗ lực để tăng danh mục này, bằng cách mở rộng khu vực địa lý và phạm vi cung cấp đến các quốc gia thân thiện, quảng bá sản phẩm cho mọi quân binh chủng. Các lĩnh vực tiềm năng nhất là không quân, phòng không, thiết giáp và vũ khí cỡ nhỏ", ông Artyakov nói.
Giới chuyên gia phương Tây trước đó nhận định các đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh đang ngăn Nga tiếp cận với một số loại linh kiện công nghệ cao, ảnh hưởng tới năng lực sản xuất vũ khí của Moskva. Hình ảnh xe tăng, thiết giáp Nga bị phá hủy, hư hại trên chiến trường Ukraine cũng góp phần khiến các khách hàng toàn cầu bớt mặn mà với khí tài do Moskva chế tạo.
Theo thống kê của Oryx, trang phân tích thông tin tình báo nguồn mở có trụ sở tại Hà Lan, Nga tổn thất gần 2.500 xe tăng, hơn 1.000 xe thiết giáp kể từ đầu cuộc xung đột với Ukraine.
Dù vậy, một số ý kiến cho rằng vũ khí Nga vẫn có một số lợi thế so với các đối thủ phương Tây, đặc biệt là về giá cả. Mỗi chiếc xe tăng Leopard 2 của Đức có giá khoảng 10,7 triệu USD, trong khi xe tăng T-90 Nga có thể được bán với giá thấp hơn một nửa.
Xung đột ở Ukraine cũng tạo động lực để ngành công nghiệp vũ khí Nga tăng cường năng lực sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của chiến sự.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov hồi tháng 7 nói lượng vũ khí xuất xưởng mỗi tháng của Moskva đã vượt mức của cả năm 2022, thêm rằng gần như toàn bộ các tập đoàn quốc phòng nước này đều duy trì được "tiến độ làm việc chưa từng thấy", cả về chất lượng và số lượng vũ khí.
Phạm Giang(Theo RIA Novosti)