Cây hoa sứ được người dân trồng chủ yếu làm cảnh,ứkhucôngnghiệvận lấy bóng mát, rải rác khắp nơi trong vùng, chỉ yêu cầu có không gian khiêm tốn để cho cây phát triển. Một số cơ quan, đơn vị trồng hoa sứ để trang trí, tạo tiểu cảnh trong khuôn viên. Hoa sứ cũng được trồng ở vỉa hè một số đường.
Hoa sứ có nhiều màu và tên gọi cũng khác nhau như: sứ đại, sứ cùi, sứ cảnh, sứ trắng, sứ đỏ, sứ vàng…
Qua tìm hiểu, được biết cây hoa sứ còn có công dụng chữa bệnh, dân gian thường dùng hoa sứ (hoa đại) phơi khô để làm thuốc chữa chứng kiết lỵ, tiêu chảy… Từ những năm 1960, trong nước cũng đã có công trình nghiên cứu chỉ ra hoa sứ, vỏ cây, mủ cây có tác dụng hạ huyết áp và một số bệnh khác… Sau này hoa sứ còn được tiếp tục nghiên cứu và ghi nhận những công dụng khác, hoa sứ khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi, và thú vị khi biết nó có nguồn gốc từ vùng Trung Mỹ và Caribe, là quốc hoa của đất nước Nicaragua xa xôi và của Lào - nước láng giềng gần gũi.
Với các nhà chuyên môn và nhiều người thì hoa sứ mang trong mình sắc trắng tinh khôi, thuần khiết nên hoa sứ trắng đã làm rung động biết bao con tim. Cũng không ít người cho là không chỉ đẹp mà mùi hương của hoa sứ trắng cũng khiến người ta mê mẩn. Trong một số tài liệu gần đây, theo văn hóa Phật giáo, hoa sứ tượng trưng cho một cuộc sống mới tràn đầy sức sống và những điều tốt lành, cả việc chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh cao quý, nên thường thấy hoa sứ được trồng ở các chùa chiền, miếu, đình, không những trong vùng Đông Nam bộ nhiều mà còn các địa phương trong nước.
Xin được ngược dòng thời gian và nhắc lại: Đã khá lâu, HTV có phóng sự "đời thường" nhưng chất chứa "ý nghĩa lớn lao", chuyện về một người mẹ già có con là thương binh, anh trở về từ chiến trường Tây Nam, được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175. Thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn, hằng ngày người mẹ nhặt hoa sứ rơi trong viện kết thành những vòng hoa bán kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống và để có điều kiện chăm sóc anh. Sau đó tình cờ vào một buổi chiều trong năm 1989, tại TP.HCM, ở khu chung cư Đoàn nghệ thuật Bông Sen, phóng sự về bà mẹ già và người con thương binh của HTV đã lay động nhạc sĩ Thế Hiển. Có lẽ xúc động trước tình cảm thiêng liêng đó, tâm hồn nhạc sĩ Thế Hiển lại trỗi lên những ca từ "mẹ nhặt hoa sứ rơi kết thành vòng hoa trắng, lần bước ra chợ đời, đổi chén gạo đầy vơi...", "nhưng sáu tháng mùa mưa hoa không rơi, nước mắt mẹ lại rơi…" (Người mẹ và hoa sứ trắng). Cũng như cảm nhận của nhiều người, với tôi, từ đó hoa sứ là hoa của tình mẫu tử, hết lòng yêu thương, hy sinh vì con của những bà mẹ Việt Nam. Câu chuyện ấy và bài ca làm tôi thật sự xúc động, thêm một nỗi niềm riêng về hoa sứ.
Hơn hai 30 năm trước, tôi cùng đồng nghiệp và các bạn thanh niên được công ty giao nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây xanh cho một số con đường chính thuộc các Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, Khu công nghiệp Gò Dầu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, chúng tôi thường thống nhất và đề nghị trồng cây hoa sứ. Thời điểm đó, giống cây sứ các loại cũng không được phổ biến, nhiều như ngày nay, thường thì phải đặt hàng trước từ các cơ sở nhân giống, kinh doanh cây cảnh từ các tỉnh miền Tây.
Ngày lại ngày qua, từ những nhánh thấp nhỏ ban đầu, đến nay những hàng cây sứ đã lớn, xanh tươi, nhiều hoa và gần như hoa có quanh năm. Tôi ngày hai buổi vẫn qua các con đường hoa sứ thân quen. Vào mùa này, buổi chiều thường có những cơn mưa to, những hàng sứ như được gội rửa, tắm mát để hôm sau hoa lại nhiều thêm.
Riêng với Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được hình thành, phát triển trong hơn 60 năm qua và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Chắc rằng thời gian không xa, một khu đô thị, dịch vụ tiện ích ra đời thay thế. Mong và tin là những hàng sứ trắng cũng sẽ được tiếp tục quan tâm chăm sóc, để mãi nở hoa.
Quanh năm, cả những tháng nắng hay vào mùa mưa của miền Đông Nam bộ, những hàng cây sứ tại các khu công nghiệp mà chúng tôi đã trồng hơn 20 năm trước ngày càng phát triển. Trong đó, nhiều nhất vẫn là sứ trắng, chúng luôn nở hoa như vẫy chào… Nếu có dịp, xin được mời mọi người ghé thăm nơi đây, thành phố với các khu công nghiệp nhiều hoa sứ mà tôi đã từng gắn bó, yêu mến lẫn không muốn xa rời.