Ngày 17/11 (sáng 18/11 giờ Hà Nội),xổ số miền bắc hôm quả Sam Altman bị OpenAI sa thải thông qua cuộc họp trên nền tảng Google Meet, trong khi chủ tịch Greg Brockman cũng bị loại khỏi hội đồng quản trị. Theo nguồn tin nội bộ, lý do của quyết định chóng vánh này là Altman đang dẫn dắt OpenAI chệch khỏi sứ mệnh ban đầu của một tổ chức phi lợi nhuận. Dù cần nguồn tài chính lớn để vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn, ông không tìm được tiếng nói chung với ban quản trị về tốc độ phát triển AI tổng quát (AGI), cách thương mại hóa sản phẩm và các bước cần thiết để giảm tác hại tiềm tàng của AI.
Người đứng sau quyết định sa thải CEO được cho là Ilya Sutskever, nhà đồng sáng lập kiêm nhà khoa học trưởng của OpenAI.
Sutskever sinh năm 1985 ở Nga nhưng lớn lên tại Israel từ năm 5 tuổi. Ông theo học Đại học Mở Israel giai đoạn 2000-2002, sau đó chuyển đến Đại học Toronto (Canada), lấy bằng cử nhân toán học năm 2005, bằng thạc sĩ năm 2007 và tiến sĩ về khoa học máy tính bốn năm sau đó.
Một trong những người thầy dạy Sutskever là Geoffrey Hinton, người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và được gọi là "cha đỡ đầu của AI". Sutskever là một trong hai học trò xuất sắc của Hinton bên cạnh Alex Krizhevsky. Bộ ba tạo ra AlexNet năm 2012 - mạng lưới thần kinh nhân tạo có khả năng tự học dựa trên dữ liệu, ứng dụng trong nhận dạng ảnh, video, gợi ý nội dung, phân loại hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và các xử lý trong giao diện não - máy tính (BCI).
Cùng năm 2012, Sutskever dành hai tháng tham gia dự án nhỏ tại Đại học Stanford, sau đó gia nhập công ty nghiên cứu DNNResearch của giáo sư Hinton. Tháng 3/2013, Google ấn tượng với AlexNet nên mua lại DNNResearch và mời Sutskever làm nhà khoa học nghiên cứu tại Google Brain. Tại đây, ông cùng với hai nhân vật nổi tiếng khác là Oriol Vinyals và Quoc Viet Le tạo ra thuật toán trình tự Seq2seq dùng để xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Với thành tích đặc biệt, Sutskever nhanh chóng thu hút sự chú ý của một người có quyền lực khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo: Elon Musk. Tỷ phú Mỹ từ lâu đã cảnh báo về mối nguy tiềm tàng AI có thể gây ra cho nhân loại. Musk cũng nhiều lần chỉ trích nhà đồng sáng lập Google Larry Page vì không quan tâm đến sự an toàn AI, đặc biệt sau khi Google mua lại DeepMind năm 2014.
Nhận lời Musk, Sutskever rời Google năm 2015 để trở thành nhà đồng sáng lập OpenAI - một tổ chức phi lợi nhuận được Musk hình dung sẽ trở thành đối trọng với Google trên mặt trận AI.
"Đó là một trong những cuộc chiến tuyển dụng khó nhất tôi từng trải qua, nhưng là mấu chốt giúp OpenAI thành công", Musk kể trong chương trình Lex Fridman Podcastđầu tháng 11 khi nhắc đến Ilya Sutskever. Tỷ phú gốc Nam Phi nhận xét đồng nghiệp cũ không những thông minh mà còn là "con người tốt, ý tưởng tốt và trái tim tốt".
Sam Altman cũng đánh giá rất cao Sutskever. "Tôi nhớ Sam gọi Ilya là một trong những nhà nghiên cứu được kính trọng nhất trên thế giới", Dalton Caldwell, CEO quỹ ươm mầm khởi nghiệp Y Combinator, nói với MIT Technology Review. "Sam xem Ilya là nhân tố có thể thu hút được nhiều tài năng AI. Sẽ khó tìm được ứng cử viên nào ngoài Ilya có thể trở thành nhà khoa học hàng đầu của OpenAI".
Tại OpenAI, Sutskever đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển mô hình ngôn ngữ lớn, như GPT-2, GPT-3 và mô hình chuyển văn bản thành ảnh Dall-E. Trong phỏng vấn hiếm hoi với Technology Reviewtháng trước, Sutskever nói, với sự phấn khích của cộng đồng thời gian qua, ChatGPT đã đem đến cái nhìn thoáng qua về những gì có thể diễn ra trong tương lai, dù hiện tại các mô hình vẫn gây thất vọng với kết quả trả về.
Những tháng gần đây, ông tập trung hơn vào mối nguy hiểm tiềm ẩn của AI, đặc biệt khi mô hình trí tuệ nhân tạo vượt xa con người có thể xuất hiện - điều ông tin sẽ xảy ra trong vòng 10 năm tới. "Rõ ràng, điều quan trọng là đảm bảo bất kỳ siêu trí tuệ nào do bất kỳ ai xây dựng đều không mang tính chất lừa đảo", ông nói.
Vào tháng 7, ông thành lập một nhóm mới tại công ty để kiểm soát AI "siêu trí tuệ" trong tương lai. Khi đó, ông cho biết hệ thống "siêu trí tuệ" có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, nhưng cũng rất nguy hiểm, "có thể dẫn đến sự mất quyền lực, thậm chí sự tuyệt chủng của loài người".
Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng việc lật đổ CEO và chủ tịch OpenAI chủ yếu liên quan đến vấn đề an toàn AI. Sutskever không đồng ý với Altman về tốc độ thương mại hóa các sản phẩm AI. Việc loại bỏ những lãnh đạo đi theo xu hướng vì lợi nhuận là "bước cần thiết để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn cho công chúng".
Các thành viên hội đồng quản trị OpenAI, đứng đầu là Sutskever, cũng tranh cãi gay gắt về tham vọng kinh doanh của Altman trước khi đi đến quyết định cách chức ông. Nắm trong tay quyền điều hành, Altman đã tìm cách huy động hàng chục tỷ USD từ các quỹ ở Trung Đông với mục tiêu tạo một công ty khởi nghiệp về chip AI cạnh tranh với Nvidia. Ông cũng gặp Chủ tịch SoftBank Masayoshi Son để thuyết phục đầu tư hàng tỷ USD vào dự án thiết bị AI sắp thành lập với sự hợp tác của cựu giám đốc thiết kế Apple Jony Ive.
"Sutskever và những người cùng quan điểm trong hội đồng quản trị phản đối cách Altman dùng tên tuổi của OpenAI để gây quỹ. Họ lo ngại doanh nghiệp mới có thể không chia sẻ mô hình hoạt động giống OpenAI", một nguồn tin cho biết.
Khi xuất hiện trên truyền thông, Sutskever thường nhấn mạnh tiềm năng lớn của AI, cả về mặt tốt và mặt xấu. "AI là điều tuyệt vời. Nó sẽ giải quyết các vấn đề mà chúng ta gặp phải ngày nay, như tình trạng thất nghiệp, bệnh tật, nghèo đói", ông nói với Guardianđầu tháng 11. "Nhưng AI cũng tạo ra những vấn đề mới: tin giả sẽ tồi tệ hơn gấp triệu lần, các cuộc tấn công mạng trở nên cực đoan hơn. Chúng ta sẽ có vũ khí AI hoàn toàn tự động".
Sau khi sa thải CEO, OpenAI đã tổ chức cuộc họp nội bộ, theo The Infomartion. Trong cuộc họp đó, ít nhất hai nhân viên hỏi Sutskever rằng liệu đây có phải một "cuộc đảo chính" hay "sự tiếp quản thù địch".
"Anh có thể gọi theo cách đó", Sutskever trả lời, nhắc đến từ đảo chính. "Tôi có thể hiểu tại sao mọi người dùng từ này, nhưng tôi không đồng ý. Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh của một tổ chức phi lợi nhuận, đó là đảm bảo OpenAI xây dựng AGI có lợi cho toàn nhân loại".
Bảo Lâm