Dự thảo nghị quyết của Mỹ lên án cuộc tấn công của Hamas,ỹđềxuấtdựthảonghịquyếtvềxungđộkiemlua.com mgid mạng quảng cáo thay thế adsense tốt nhất kêu gọi thả con tin và ủng hộ quyền tự vệ của Israel, Reuters hôm 22/10 cho biết. Dự thảo cũng kêu gọi các bên bảo vệ dân thường và lưu ý các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế khi ứng phó "những cuộc tấn công khủng bố".
Mỹ đề nghị tiếp tục cung cấp viện trợ đầy đủ và không bị cản trở vào Dải Gaza, song không kêu gọi thiết lập bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Theo dự thảo, tất cả quốc gia phải nỗ lực ngăn chặn "bạo lực ở Gaza lan rộng và yêu cầu Hezbollah cùng các nhóm vũ trang khác lập tức chấm dứt mọi cuộc tấn công".
Dự thảo đồng thời yêu cầu Iran ngừng xuất khẩu vũ khí cho các nhóm "đe dọa hòa bình và an ninh toàn khu vực, trong đó có Hamas".
Hiện chưa rõ liệu Mỹ có kế hoạch đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an hay không, cũng như thời điểm họ thực hiện kế hoạch này. Để được thông qua, một dự thảo cần có ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có sự phủ quyết nào từ 5 thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
Mỹ hôm 18/10 phủ quyết dự thảo nghị quyết do Brazil đệ trình tại Hội đồng Bảo an, trong đó lên án vụ tấn công của Hamas vào Israel và kêu gọi lực lượng này thả con tin. Nghị quyết cũng kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo vệ mạng sống dân thường ở Dải Gaza.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield giải thích rằng Mỹ cần thêm thời gian cho hoạt động ngoại giao thực địa khi Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm khu vực để tìm cách hạ nhiệt tình hình, thúc đẩy Israel cho phép hàng viện trợ quốc tế vào Dải Gaza và nỗ lực giải thoát con tin.
Bà Thomas-Greenfield cũng cho biết Mỹ phủ quyết vì dự thảo của Brazil không đề cập quyền tự vệ của Israel. Dự thảo của Mỹ nêu rõ rằng Israel có quyền tự vệ như vậy theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Điều 51 đề cập quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể của các quốc gia trước cuộc tấn công vũ trang. Các quốc gia phải thông báo ngay cho Hội đồng Bảo an về bất kỳ hành động nào họ thực hiện để tự vệ.
Trong thư gửi Hội đồng Bảo an vào ngày Hamas tiến hành chiến dịch đột kích hôm 7/10, Israel tuyên bố sẽ "hành động bằng mọi cách cần thiết để bảo vệ công dân và chủ quyền khỏi các cuộc tấn công từ Dải Gaza". Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết dường như nước này chưa chính thức viện dẫn Điều 51 về quyền tự vệ.
Các nước Arab lập luận Israel không thể biện minh cho hành động của mình là tự vệ. "Dải Gaza là lãnh thổ bị chiếm đóng", Đại sứ Jordan tại Liên Hợp Quốc Mahmoud Daifallah Hmoud phát biểu thay nhóm các nước Arab, dẫn một phán quyết lập trường năm 2004 của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ). "Theo đó, Israel không có quyền tự vệ trong lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".
Phán quyết lập trường năm 2004 của ICJ được đưa ra về hàng rào ngăn cách mà Israel xây dựng quanh khu Bờ Tây. Israel khi đó cho biết nước này xây hàng rào nhằm thực thi quyền tự vệ và "ngăn chặn những kẻ đánh bom liều chết" ra khỏi các thành phố của họ.
ICJ cho rằng hoạt động xây tường của Israel tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, trong đó có khu vực xung quanh Đông Jerusalem, là "trái với luật pháp quốc tế" và các mối đe dọa mà Israel viện dẫn để xây tường đến từ bên trong, chứ không phải bên ngoài các vùng lãnh thổ đó.
"Do vậy, Tòa kết luận Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc không được áp dụng cho trường hợp này", theo phán quyết của ICJ. Israel bác bỏ phán quyết trên.
Huyền Lê(Theo Reuters, TASS)