Tiếng Việt khó nhưng thú vị
Sinh sống ở Việt Nam được 4 năm,ộtngànhdạyhọcănhọcnóihọcgóihọcmởan lâm retreats saigon river Yuichiro Konaka (sinh viên người Nhật năm 4, ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết tiếng Việt khó nhưng thú vị.
"Đối với người Nhật, phát âm tiếng Việt rất khó vì có 6 thanh điệu và nhiều nguyên âm. Trong khi, tiếng Nhật không có thanh điệu và chỉ có 5 nguyên âm", Yuichiro Koana chia sẻ.
Bên cạnh đó, nam sinh viên cũng cho biết, đã có cơ hội đi nhiều nơi từ miền Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long và yêu thích du lịch Việt Nam vì mỗi nơi có văn hóa và đặc sản khác nhau.
Đến học tập theo diện hiệp định 2023, P'pok Thinkasang (lưu học sinh người Lào, ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho hay, môi trường học tập ở đây rất tốt, giáo viên chú trọng giảng dạy, phương pháp rất khác so với học ở Lào.
"Tôi đến đây để trao đổi kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, cách làm việc và học hỏi nhiều điều từ Việt Nam. Việt Nam phát triển hơn Lào nên rất thích hợp để học tập", P'pok Thinkasang chia sẻ.
Ngành học không chỉ dành cho người nước ngoài
Bên cạnh việc giúp người nước ngoài giao tiếp, học tập về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, ngành còn mở rộng tuyển sinh viên người Việt với nhiều cơ hội công việc.
Là khóa đầu tiên dành cho người Việt Nam, Lê Uyển Quỳnh (sinh viên năm 3, ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ, sinh viên hay đùa với nhau rằng theo ngành Việt Nam học là "học ăn, học nói, học gói, học mở".
"Chúng tôi được học về sân khấu truyền thống, ẩm thực, trang phục Việt Nam, được tiếp xúc với các nghệ nhân, tự tay chuẩn bị các món ăn đặc trưng của các vùng miền", Quỳnh cho biết.
Nữ sinh viên cho hay, khoa có lễ hội khoa Việt Nam học để giao lưu văn hóa giữa các sinh viên với nhiều gian hàng đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Lào…
"Khi giới thiệu các trò chơi dân gian đến sinh viên nước ngoài, họ đều hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, hình ảnh đó khiến tôi vô cùng tự hào và hạnh phúc", Quỳnh nói.
Muốn được nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của đất nước, Võ Xuân Nghĩa (sinh viên năm 3, ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã "bén duyên" với ngành.
"Trong quá trình học, tôi được đi thực tế, tham quan tại Tòa thánh Cao Đài ở Tây Ninh, lăng Ông Bà Chiểu… Đó không đơn thuần là đến để nghe, nhìn mà còn để 'chạm' vào các giá trị cốt lõi, hiểu để nghiên cứu", Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, một số sinh viên theo ngành cũng gặp định kiến như "Việt Nam học là ngành gì?", "Học về cái gì, ra trường công việc như thế nào?".
Định hướng theo lĩnh vực du lịch, Kim Anh (sinh viên năm 2, ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho hay, đây là ngành khá xa lạ với nhiều người nhưng khi tìm hiểu thì rất thú vị, được trau dồi thêm về văn hóa Việt Nam, có cơ hội tiếp xúc với bạn bè nước ngoài, phát triển bản thân.
Trước những định kiến, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phương, Phó trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhấn mạnh, người Việt Nam vẫn cần học tập, nghiên cứu Việt Nam học để biết trân quý, gìn giữ và phát huy bản sắc Việt Nam trên mọi phương diện: văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, lịch sử… quảng bá nâng cao vị thế hình ảnh đất nước ra thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thầy Phương cho hay, số lượng sinh viên Việt Nam ổn định từ 50-60 sinh viên/năm. "Theo chủ trương của lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM về việc mở rộng đối tượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, từ năm 2021, nhà trường bắt đầu tuyển sinh bậc cử nhân ngành Việt Nam học cho người Việt Nam. Đến nay, qua 3 khóa tuyển sinh, khoa đang có khoảng 180 sinh viên người Việt Nam theo học", tiến sĩ Phương thông tin.
2 định hướng cơ hội việc làm
Tiến sĩ Hoàng Phương chia sẻ, do nguồn tuyển sinh trong nước dồi dào, ngành đang chú trọng đào tạo sinh viên Việt Nam theo 2 định hướng: du lịch và Việt ngữ học; Việt ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.
"Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các ngoại giao đoàn, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, trường ĐH, tập đoàn kinh tế, giáo dục, văn hóa, trở thành chuyên viên hoặc nhà quản lý tại các đơn vị văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, ngoại giao của Việt Nam hoặc những nước có mối quan hệ về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, ngoại giao với Việt Nam", tiến sĩ Phương nói.
Theo tiến sĩ Hoàng Phương, trong khóa học, sinh viên sẽ có 1 đợt đi thực tế và 1 đợt đi thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp, thực hành tìm hiểu về văn hóa-lịch sử, về những làng nghề truyền thống, đời sống ẩm thực, nét sinh hoạt của người dân Việt Nam.
Tiến sĩ Hoàng Phương cho biết, hiện nay việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đang phát triển mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Hàn Quốc đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy ở phổ thông và là 1 trong 5 ngoại ngữ thi ĐH. Kiều bào người Việt ở nước ngoài cũng có nhu cầu học tiếng Việt và tìm hiểu cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Theo tiến sĩ Phương, sinh viên nước ngoài theo học mỗi năm trung bình 30-40 em nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên số lượng giảm mạnh chỉ còn khoảng 10 sinh viên mỗi năm.