Thật ra,àmmớicảilươyt ngay trong chữ "cải lương" đã chứa đựng yếu tố cập nhật, sáng tạo không ngừng. "Cải cách hát ca cho tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh" chính là tôn chỉ của cải lương, nghĩa là luôn cải cách, luôn đi tới, luôn làm mới mình. Từ thập niên 1970, soạn giả kiêm ông bầu Thu An đã thổi vào gánh Hương Mùa Thu của mình những làn gió mới mẻ, táo bạo. Ông cho ca múa, điện ảnh xuất hiện trên sân khấu vô cùng sinh động, vì vậy gánh hát của ông được gọi là Đoàn Ca vũ nhạc kịch. Tiếp đó, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, từ những năm 2007 đã dựng Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga bằng cách thể nghiệm phối hợp cải lương với dàn nhạc giao hưởng, đem vở diễn vào sân vận động rộng mênh mông, thiết kế những đại cảnh giống như phim trường. Sân khấu 5B thập niên 1990 có vở Ai giết nàng Kiều được làm mới bằng thể nghiệm diễn tại không gian thu nhỏ…
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: "Cải lương phải thay đổi cho phù hợp thời đại, từ cách áp dụng các phương tiện truyền thông, các ứng dụng công nghệ, cho đến sáng tác âm nhạc, ca múa, thiết kế… là đương nhiên. Cái mới trong nội dung nếu không có thì cũng phải có cái mới trong hình thức. Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận khi thực hiện, bởi nếu không giữ được đặc trưng của cải lương thì lớp trẻ sẽ hiểu sai lệch về cải lương, sẽ tưởng cải lương "là như vậy" - điều đó nguy hiểm vô cùng".
"Trên mạng mới đây có clip làm mới cải lương do một nghệ sĩ tên tuổi thực hiện, kết hợp cải lương với nhạc rap, tôi thấy không ổn. Đó là sự kết hợp khập khiễng, không hài hòa, chưa kể trang phục và cách biểu diễn bị nhiều khán giả nêu ý kiến rằng có vẻ ma mị, chứ không mang chất gì là cải lương", đạo diễn Hoa Hạ bày tỏ.
Với đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, khi chị kết hợp cải lương với nhạc giao hưởng, thì đó là giao hưởng phối lại các bài bản trên nền tảng ngũ cung, nên không chỏi. Hoa Hạ cho biết chị và nhạc sĩ Trần Vương Thạch đã làm việc với nhau suốt 3 tháng trời để tìm ra cách sáng tạo hài hòa giữa nhạc giao hưởng và cải lương. Và vẫn có một số bài bản, Trần Vương Thạch nói nếu không thể làm được thì thôi, không gượng ép, vì việc gượng ép đó sẽ làm cải lương biến chất.
Đến Chiếc áo thiên nga, Hoa Hạ và nhạc sĩ Đức Trí đã táo bạo cho nhân vật Thục Phán ca vọng cổ kết hợp một chút nhạc rap, nhưng nghe vẫn dễ chịu. Hoa Hạ nói: "Tôi có chủ đích. Thục Phán ca bài đó trong lúc say xỉn, đùa giỡn với cung phi, lính lác. Bài tổ của nghệ thuật mà đem ra "đùa giỡn" thì mất nước, mất văn hóa thôi. Đó là ẩn ý của tôi, chứ không phải muốn ghép cái gì thì ghép".
Ngoài ra, khi dựng lại các vở cũ, kinh điển, đạo diễn đều có ý làm mới. Chẳng hạn Nàng Xê Đa, Cô đào hát, Bạch Hải Đường, Lan và Điệp… đều có thêm thắt một số tình tiết, nhân vật, hoặc thêm phần múa, tăng tiết tấu nhanh hơn, thiết kế lung linh hoành tráng hơn… nhưng vẫn luôn bảo đảm chuẩn mực và đặc trưng của thể loại cải lương.
Thật sự, cải lương hiện nay khó khăn khi tiếp cận khán giả trẻ, nên việc sáng tạo cái mới để chinh phục người xem là điều nên làm. Theo đạo diễn Hoa Hạ: "Chúng ta ủng hộ cái mới, nhưng đừng làm cho lớp trẻ mất phương hướng. Tôi mong Hội Sân khấu tổ chức những buổi hội thảo, phân tích, để giữ gìn những chuẩn mực cơ bản của bộ môn này".
Soạn giả - ông bầu Hoàng Song Việt bày tỏ: "Tôi nghĩ làm mới cải lương như con dao hai lưỡi, hoặc là thành công, hoặc là giết chết cải lương. Trong giai đoạn này nên cố gắng "làm hay" hơn là "làm mới". Viết, dựng, diễn cho thật hay, để lớp trẻ thấy được cải lương như hòn ngọc đẹp, thì các em sẽ theo. Mà đã theo thì phải theo cái chuẩn mực, không bị lộn xộn, lệch lạc".