Sầu riêng cán mốc "không tưởng"
TheỷlụcngoạnmụcRauquảmangvềtỉđôvlxx.como Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, xuất khẩu rau quả đạt con số cao kỷ lục 667,5 triệu USD; tăng gần 44% so với tháng trước. Tuy nhiên, kỷ lục này cũng nhanh chóng bị phá vỡ vì ước tính xuất khẩu rau quả trong tháng 10 đạt trên 699 triệu USD, tăng gần 5% so với tháng 9. Nếu so với tháng 10.2022 (đạt gần 310 triệu USD), xuất khẩu rau quả trong tháng 10 năm nay tăng tới 126%. Lũy kế 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,9 tỉ USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương con số tăng tuyệt đối là 2,16 tỉ USD.
Còn nhớ, mục tiêu ban đầu của ngành rau quả VN trong năm 2023 là đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỉ USD. Nhưng mục tiêu này chỉ cần 9 tháng đã hoàn thành với con số 4,2 tỉ USD.
Thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan cho biết: Tính đến hết tháng 9, mặt hàng rau quả xuất khẩu tăng mạnh nhất là sầu riêng, đạt tới 1,63 tỉ USD, gấp hơn 14 lần so với con số 113 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia ngành rau quả, trong tháng 10 với tâm điểm là thủ phủ sầu riêng Đắk Lắk vào đợt thu hoạch chính vụ đã đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt mức lịch sử. Tạm tính sầu riêng chiếm 50% trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả thì trong tháng 10, mặt hàng này mang lại khoảng 350 triệu USD. Như vậy, đến hết tháng 10, ước xuất khẩu sầu riêng đạt tới cột mốc không tưởng 2 tỉ USD.
Nói "không tưởng" vì đây là năm đầu tiên VN chính thức xuất khẩu quả sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Còn nhớ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng VN, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), dự báo: "Sầu riêng sẽ nhanh chóng vượt qua thanh long để trở thành mặt hàng tỉ USD". Thời điểm đó, không có quá nhiều người lạc quan, nhất là khi 4 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu sầu riêng vẫn ì ạch vài chục triệu USD mỗi tháng. Nhưng sầu riêng chính thức bùng nổ vào tháng 5 với kim ngạch 332 triệu USD. Sau cú nhảy vọt đó, kỳ vọng cả năm 2023 có thể đạt tới 1,5 tỉ USD đã được đặt ra, nhưng kết quả hiện nay đã là 2 tỉ USD, con số chưa mặt hàng nông sản nào đạt được chỉ trong thời gian ngắn như thế.
Ông Nguyên cho biết: "Hiện chỉ còn sầu riêng ở Gia Lai và vụ nghịch ở rải rác một vài nơi, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây. Sản lượng sầu riêng giảm sẽ kéo giảm kim ngạch xuất khẩu của rau quả. Trong 2 tháng cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ khó đạt con số kỷ lục như tháng 9 hay 10 nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm sẽ đạt khoảng 5,5 tỉ USD. Năm 2024 chúng ta có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt con số 6 tỉ USD".
Đến mùa thanh long, chuối, mít, xoài…
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả chủ lực của VN. Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ tháng 1 - 9.2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 2,75 tỉ USD, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước với con số tăng tuyệt đối gần 1,7 tỉ USD và chiếm 65% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của cả nước.
Khi vụ thu hoạch sầu riêng khép lại thì đến mùa xuất khẩu thanh long. Đây vẫn là mặt hàng mang lại giá trị cao, chiếm 16% trong tổng giá trị rau quả xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, nhiều nhà vườn đang tích cực chuẩn bị cho mùa vụ quan trọng trong năm. Bà Lê Phương Chi, Giám đốc HTX Thanh Long Hàm Minh 30 (H.Hàm Thuận Nam), cho biết: Hiện giá thanh long không có nhiều biến động, loại ruột trắng khoảng 15.000 đồng/kg, ruột đỏ 18.000 đồng/kg. Thông thường từ quý cuối của năm trước kéo dài đến quý đầu năm sau thanh long tiêu thụ thuận lợi, giá tốt vì giai đoạn này Trung Quốc không có thanh long và các thị trường khác cũng đẩy mạnh nhập khẩu phục vụ mùa Noel (Giáng sinh) và tết Tây. "Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay HTX chúng tôi và phần lớn bà con ở đây cũng liên kết sản xuất thanh long đạt các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu đi nhiều nước và chế biến nhiều mặt hàng giá trị gia tăng như: nước ép, rượu, bánh kẹo, thanh long sấy khô, sấy dẻo…", bà Chi nói.
Tương tự, từ giai đoạn này đến tháng 6 năm sau là cao điểm mùa tiêu thụ chuối ở thị trường Trung Quốc, vì nước này bị ảnh hưởng thời tiết lạnh không trồng được chuối nên phải nhập khẩu. Trong khi đó, chuối từ các nước Nam Mỹ và Philippines là nguồn cung lớn cho thế giới đang bị ảnh hưởng dịch bệnh nên sản lượng hạn chế. Ngoài Trung Quốc, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản cho biết: Hiện nay nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ VN thay thế chuối Philippines vì người tiêu dùng nước này đánh giá chuối VN thơm ngon hơn. Chưa kể, dịch bệnh Panama đang tác động mạnh và làm sụt giảm diện tích trồng và sản lượng chuối của nhiều quốc gia như Philippines, Ecuador. Đây chính là cơ hội cho trái chuối VN xuất sang Nhật Bản. Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu chuối năm 2023 có thể đạt tới 500 triệu USD, một con số kỷ lục của mặt hàng này.
Mít, xoài chiếm tỷ trọng xuất khẩu vào Trung Quốc tương ứng là 7% và 4% cũng đang lợi giá khi giá tại vườn duy trì mức cao, từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại.
Xuất khẩu rau quả vượt kim ngạch cả năm 2022
Theo Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, cuối tháng 9.2023, Trung Quốc có công hàm gửi Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, cho biết: Trung Quốc thông báo đã chuẩn bị xong các điều kiện có liên quan để công bố mở rộng cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị Quan, Quảng Tây đến 2 lối mở Pò Chải và Lũng Nghịu. Đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc. Bên cạnh mặt hàng chủ lực là sầu riêng thì Trung Quốc cũng đang xem xét cấp nghị định thư cho trái dừa tươi. Đây sẽ là một cơ hội lớn khác cho rau quả VN trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, mặt hàng sầu riêng trong năm 2023 xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định về sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói, ảnh hưởng tới quá trình thông quan tại các cửa khẩu. Đây là vấn đề cần được cải thiện trong thời gian tới vì Trung Quốc đang xem xét cấp nghị định thư cho quả sầu riêng tươi của Malaysia. Vì thế, sắp tới sự cạnh tranh của mặt hàng này ở Trung Quốc sẽ rất gay gắt, sầu riêng VN muốn tồn tại và phát triển chỉ có cách cải thiện chất lượng.